Có bao giờ bạn tự hỏi màu sắc thật sự tác động như thế nào đến cảm xúc người xem hay không? Bài viết này sẽ khám phá những điều thú vị về gam màu Blue. Bài viết sẽ sử dụng nguyên từ của tiếng Anh - blue để nói trọn về dải màu xanh dương.
Blue là một trong những màu cơ bản trong lý thuyết màu truyền thống cũng như là một trong 3 thành phần chính của hệ màu RGB. Đây là một màu tĩnh lặng, tối và rất lạnh. Nó rất phổ biến trong nhiếp ảnh và có nhiều phiên bản khác nhau.
Blue xuất hiện tình cờ trong thế giới nhiếp ảnh
Nhà thực vật học Anna Atkins khi đang tìm cách minh họa các mẫu thực vật cho muốn cuốn sách tham khảo khoa học, British Algae: Cyanotype Impressions. Cô bắt đầu thử nghiệm cyanotype. Và cô cũng là một trong những người tiên phong sử dụng kỹ thuật này cho mục đích nhiếp ảnh.
Atkins đặt các mẫu vật của mình lên giấy có tẩm dung dịch muối sắt và kết hợp với ánh sáng mặt trời để hiện ảnh lên giấy. Các bản in thực vật của cô như mẫu vật rong biển khô để lại vệt trắng trên nền phổ xanh blue (Prussian blue), kết quả ra xuất sắc xét về góc độ nhiếp ảnh.
Kỹ thuật Cyanotype được phát triển và xây dựng bởi John Herchel - một nhà thiên văn học người Anh vào năm 1842 và cũng là bạn của Atkins. Cyanotype có thể sử dụng để sao chép các văn bản, thiết kế đơn giản, rõ nét và là phương pháp cho ra những tấm ảnh “có màu” duy nhất vào thời điểm đó, bởi khái niệm ảnh màu bấy giờ vẫn còn chưa xuất hiện mà chỉ có ảnh trắng đen. Hiện tại Cyanotype vẫn đôi khi được sử dụng cho nhiếp ảnh với mục đích sáng tạo nghệ thuật, đem lại cảm giác mới lạ tới người xem.
Đa cảm xúc cùng gam màu Blue
Blue là một gam màu lạnh. Thông thường blue gắn liền với màu của trời và biển cả. Một màu sắc khiến tâm trí bình yên, trái tim trở nên dễ chịu và thanh thản, đồng thời gắn liền với không gian mở, tự do, trực giác, trí tưởng tượng, nguồn cảm hứng. Dường như khi nhìn thấy blue, gợi lên cảm giác đang ở trên thiên đường, chân thành và tâm linh.
Chính vì thế xanh dương trong hội họa, điện ảnh, nhiếp ảnh được dùng để tạo ra cảm giác tự do, bình yên và tràn đầy hi vọng. Blue mang đến cảm giác tin tưởng, êm dịu và xoa dịu nỗi buồn.
Ở một mặt khác, blue có thể là một màu buồn. Bầu trời, biển cả và màu xanh luôn được đề cập cùng nhau khi được nhắc tới, và gợi lên cảm giác về sự bền bỉ, yên bình. Mối tương quan giữa blue và nước hình thành ý niệm về sự sạch sẽ, yên ả nhưng cũng liên hệ đến hình ảnh của những giọt nước mắt. Sự tĩnh lặng và yên ắng của bầu trời mặt nước cũng khiến người ta cảm thấy lạnh lẽo, cô độc. Vì thế trong tiếng anh có câu “ feeling blue” với ý nghĩa là cảm thấy buồn.
Khi được sử dụng với sắc độ mạnh hơn sẽ đem lại cảm giác lạnh lẽ, sự cô độc, trống rỗng, u buồn. Sắc blue khi đậm mạnh hơn thì mang lại cảm giác đau buồn, ma mị hơn. Một màu sắc vừa khiến bạn yên bình, xoa dịu tâm hồn nhưng cũng có thể mang lại sự cô độc, đau buồn, chỉ khác một điều chúng được thể hiện ở trạng thái nào.
Blue trong nhiếp ảnh
Bắt nguồn từ thiên nhiên và nghệ thuật, những ý nghĩa đằng sau màu blue cũng đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thế giới tự nhiên thông qua nhiếp ảnh.
Ví dụ như Martin Parr dùng những gam màu blue bắt mắt để tạo ra một sự đối nghịch tương quan giữa chủ thể, đối tượng và khung cảnh. Bill Henson tận dụng những mảng xanh trong ảnh của ông để xây dựng một không gian đầy kịch tính. Ảnh của David Burdeny lại có những chân trời màu blue rực rỡ để làm nổi bật hơn chất liệu của những khung cảnh trừu tượng được chụp.
Blue còn có nhiều ứng dụng khác trong nhiếp ảnh. Blue hour, khoảng thời gian kéo dài ngay sau hoàng hôn và ngay trước lúc bình minh, là lúc ánh sáng mặt trời còn đọng lại phát ra một thứ ánh sáng màu xanh. Ánh sáng này được ưu dùng trong ảnh chân dung và phong cảnh nhờ đặc tính mềm dịu của nó. Thêm nữa những filter xanh dương ( có thể gắn lên camera hoặc khi hậu kỳ) hay được dùng trong nhiếp ảnh đen trắng để tăng cao cảm giác sương mù mờ mịt.
Qua bao năm tháng, màu blue đã truyền tải những thông điệp khó nói nên lời, khắc sâu vào thế giới tinh thần và định nghĩa bản thân của con người. Được gắn với thiên nhiên, sự tĩnh lại, sự cao quý, thuần khiết, niềm tin và nỗi buồn, sắc xanh có thể gói gọn những gánh nặng cảm xúc và sự tồn tại của con người.
Màu sắc là sự chủ quan. Cùng một màu có thể làm người này vui nhưng làm người kia khó chịu. Đôi lúc là một gam màu nhưng mang lại những cảm xúc tương phản.
Комментарии